Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013
Cách tự học tiếng Anh giao tiếp hiệu quả, kinh nghiệm hay cho bạn
1. Xác định rõ ràng mục tiêu của việc học. Bạn học tiếng Anh vì mục đích gì? Để đi du học, để tham gia các chương trình học liên kết bằng tiếng Anh trong nước, để tìm 1 công việc tốt hơn, để có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, để thỏa mãn đam mê học ngôn ngữ, v.v. Lí do bạn học tiếng Anh là gì không quan trọng. Điều quan trọng là bạn cần 1 lí do rõ ràng, 1 mục tiêu & động cơ rõ ràng. Như vậy bạn sẽ có động lực & niềm đam mê. Bạn sẽ đầu tư thời gian, tâm sức cho việc học và chắc chắn bạn sẽ thành công.
2.Học phải đi đôi với hành. Câu nói này cực kì phù hợp trong việc học tiếng Anh. Chúng ta đang học tiếng Anh tại Việt Nam, không phải 1 nước nói tiếng Anh và cũng không phải 1 quốc gia coi tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (ví dụ như quốc gia láng giếng Singapore, Malaysia). Đó là 1 ‘thiệt thòi’.
Hãy thử tưởng tượng xem các bạn chỉ có 2 tiếng/ 1 buổi học tiếng Anh, 3 buổi/ tuần, như vậy bạn chỉ có 6 giờ học/ tuần. Thời gian thực hành trên lớp không thể đáp ứng đủ, đó là còn chưa kể không phải lúc bào bạn cũng tích cực tham gia các hoạt động trên lớp–class activities, và giáo viên thì không thể ‘take care’ đến tất cả các bạn 1 cách chu đáo. Những gì học được trên lớp sẽ định hướng cho các bạn luyện tập và thực hành như thế nào sau giờ học chứ bạn không nên hoàn toàn trông chờ vào các giờ học trên lớp.
Hãy ghi nhớ học trên lớp không thể đủ để giúp bạn thành công nếu bạn không chịu thực hành và luyện tập bất kì khi nào có thể. Hãy bắt đầu từ những việc đơn giản như tích cực tham gia các hoạt động nghe nói thảo luận trên lớp, viết nhật kí bằng tiếng Anh hàng ngày, sẵn sàng ‘xông’ ra bắt chuyện giúp đỡ 1 bác Tây đang lơ ngơ tìm đường trên phố, v.v.
Câu hỏi đặt ra là ngoài giờ học trên lớp nên thực hành tiếng Anh như thế nào và ở đâu sẽ được chia sẻ trong bài viết tiếp theo.
3. Không được sợ sai và chú trọng quá nhiều vào văn phạm (grammar)
Kinh nghiệm dạy học của bản thân mình cho thấy học viên nhà mình chú trọng khá nhiều vào ngữ pháp. Khi nói, một loạt các kiến thức văn phạm mà cụ thể là thời thì ‘nhảy múa’ trong đầu khiến khả năng phản xạ của các bạn bị ảnh hưởng. Thậm chí ngay cả khi đã nói ra, học viên cũng rụt rè thiếu tự tin, hoặc tệ hơn đó là sợ sai nên các bạn ‘im bặt’ không nói khi được giáo viên hỏi. Và rồi cái vòng luẩn quẩn là các bạn sẽ tìm đến các khóa học ngữ pháp để nâng cao nó thay vì đầu tư vào 1 điều khác quan trọng hơn. Đó chính là TỪ VỰNG. Từ vựng là chìa khóa để thành công trong tiếng anh giao tiếp. Các bạn hãy ghi nhớ điều đó.
Hãy xem lại quá trình học nói của 1 đứa trẻ. Chúng không học ngữ pháp trước. Trẻ con học nghe ngay khi còn trong bụng mẹ, và khi chúng chào đời chúng vẫn tiếp tục học nghe. Học nghe và hiểu cho đến khi đủ vốn từ chúng bắt đầu nói những từ đơn giản. Và khi vốn từ lớn hơn, chúng nói được cụm từ, và những câu ngắn. Vậy chìa khóa để thành công trong việc học giao tiếp chính là từ vựng chứ không phải ngữ pháp. Các bạn đừng học ‘ngược’ nhé. Đừng tự làm khó mình, đừng tự làm mình rối tung với 1 mớ lý thuyết ngữ pháp để rồi các bạn sẽ bị lúng túng khi nói 1 câu tiếng Anh vô cùng đơn giản.
4. Học nghe và xây dựng vốn từ là vô cùng quan trọng để học tiếng Anh hiệu quả.
Có khá nhiều bạn học viên học nghe bằng cách cứ bật bài nghe bằng tiếng Anh, các chương trình ti vi, radio bằng tiếng Anh lên và nghe. Nghe tiếng Anh khi đang đi đường, nghe khi đang chạy bộ tập thể thao, nghe khi đang nấu ăn, v.v tóm lại là bật băng đĩa tiếng Anh lên và nghe trong khi đang làm một việc khác.
Mục đích là để tự tạo cho mình môi trường tiếng Anh. Cách làm này có đúng không? Đã từng có 1 bạn học sinh của mình thành công khi áp dụng bí quyết này nhưng có lẽ bạn đó nằm trong số ít may mắn. Đây không thể là phương pháp luyện nghe hiệu quả vì lí do chính như sau:
Bạn nghe không tập trung- cứ bật băng đĩa lên trong khi làm việc khác sẽ không có tác dụng gì hết. Ngay cả khi bạn nghe tiếng Việt mà bạn không tập trung thì thông tin cũng sẽ trôi tuột chứ đừng nói đó là ngoại ngữ. Lấy 1 ví dụ đơn giản là: bạn vừa măm cơm vừa xem chương trình thời sự. Có lúc vì mải mê tập trung vào thức ăn, bạn sẽ không biết thời sự vừa đưa tin tức gì phải không nào?
Hãy nhớ lại việc học nghe của 1 đứa trẻ. Khi ngoài 02 tháng tuổi chúng bắt đầu biết ‘hóng’ chuyện, chúng chăm chú tới những mọi người xung quang đang nói và body language có phản ứng. Nghĩa là trẻ con học nghe có tập trung.
Vậy nên các bạn hãy học nghe bằng việc nghe – hiểu và làm bài tập, như vậy việc nghe sẽ có mục đích rõ ràng- nghe để làm 1 bài tập nào đó. Song song với đó, các bạn hãy xem phim có phụ đề để được nghe 1 thứ tiếng Anh thật (Authentic English) chứ không phải tiếng Anh trong sách vở. Không cần xem cả bộ phim mà chỉ cần 1 đoạn phim ngắn 10-15 phút mà trong đó các bạn sẽ học từ vựng, phát âm. Ngoài ra, hãy tìm cho mình một không gian, một câu lạc bộ tiếng Anh để có thể mở rộng vốn từ vựng, môi trường giao tiếp, tăng cường các hoạt động tiếng Anh để làm giàu vốn sống, kinh nghiệm và trải nghiệm cùng tiếng Anh của bản thân.
Mong rằng qua những gì tôi có thể chia sẻ với các bạn trẻ, các bạn sẻ tự thay đổi bản thân và biến tiếng Anh trở thành một người bạn tri kỉ trong cuộc sống hiện đại của chính mình!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét